LỘ TRÌNH ÔN THI CẤP TỐC ĐỂ ĐẠT 8+ TỐT NGHIỆP THPT MÔN TIẾNG ANH

Góc chia sẻ
30/03/2023
3501 lượt xem bài viết

Chỉ còn ít tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT. Giai đoạn nước rút đang tới rất gần. Nếu bạn đặt mục tiêu trên 8 điểm môn tiếng Anh mà chưa biết phải làm sao, lộ trình ôn thi cấp tốc sau đây sẽ cứu cánh cho bạn. 

Nhưng khoan đã, trước tiên bạn cần trả lời câu hỏi cực kỳ quan trọng dưới đây:

Trước khi vào lộ trình ôn thi, điểm số của bạn đang là bao nhiêu?

Hiểu biết về năng lực hiện tại là cơ sở quan trọng nhất để xây dựng một lộ trình ôn thi. Bạn phải biết mình đang ở vị trí nào thì mới có thể tạo một lối đi phù hợp với bản thân. Vậy hiện tại điểm số của bạn đang là bao nhiêu? Là mức dưới trung bình (<5 điểm), mức trung (5-7 điểm), hay mức tiệm cận (7-8 điểm)? Chưa hết, bạn thấy tự tin về phần kiến thức nào nhất trong môn tiếng Anh? Quan trọng không kém, đâu là điểm yếu của bạn trong môn học này? Là ngữ pháp, từ vựng, phát âm, hay tệ hơn bạn không biết mình yếu phần nào?? 

Hãy cố gắng trả lời thật chi tiết và thành thật. Nhờ vậy bạn mới có được bản mô tả chính xác nhất về năng lực bản thân. Bạn cần phát huy gì và cần cải thiện gì. Đây chính là cơ sở để bạn xây dựng lộ trình phù hợp nhất cho bản thân.

Xem ngay: Các phương pháp ôn thi tốt nghiệp THPT không phải ai cũng biết

Xây dựng lộ trình ôn thi cấp tốc

Giai đoạn 1: Dồn sức bù đắp thiếu sót

Sau khi trả lời loạt câu hỏi ở trên, chắc hẳn bạn sẽ biết điểm yếu “chí mạng” của mình trong môn tiếng Anh. Như vậy, giai đoạn khởi đầu sẽ là dồn sức để khắc phục những điểm yếu đó. 

Đầu tiên bạn hãy tập trung bổ sung kiến thức cơ bản của những điểm yếu trước. Bởi lẽ có căn bản thì mới học cao lên được. Ví dụ nếu bạn yếu về câu điều kiện, bạn nên học lại cấu trúc 4 loại câu điều kiện trước. Đảm bảo mình nhớ rõ cấu trúc từng loại, sử dụng cho trường hợp nào, với mục đích gì. Sau đó bạn thực hành qua những bài tập đơn giản nhất cho đến nâng cao. Nhờ vậy bạn sẽ không còn bối rối, nhầm lẫn giữa các loại câu điều kiện nữa. 

Yếu ở đâu thì xây lại ở đó. Việc bổ sung kịp thời kiến thức cơ bản sẽ giúp bạn có nền móng tốt. Đồng thời khi làm bài thi bạn cũng tránh làm sai những câu dễ nhất chỉ vì thiếu kiến thức. Trong giai đoạn này bạn cũng đừng quên làm bài tập củng cố phần thế mạnh. Nếu bạn bỏ qua, khả năng cao bạn sẽ lại quên và vô tình biến điểm mạnh thành điểm yếu.

Khoảng thời gian phù hợp cho giai đoạn 1 là 1 tháng.

Lộ trình ôn thi nên bắt đầu từ việc xây dựng lại những thiếu sót.
Lộ trình ôn thi nên bắt đầu từ việc xây dựng lại những thiếu sót.

Giai đoạn 2: Hệ thống lại kiến thức

Giai đoạn 2 trong lộ trình ôn thi là hệ thống lại kiến thức. Bạn sẽ cần rà soát và ôn luyện một cách toàn diện hơn để đảm bảo không còn phần nào bị bỏ sót. Kiến thức môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thường bao gồm: Phần ngữ pháp, Phần từ vựng, Phần đọc hiểu.

Để hệ thống, bạn có thể áp dụng phương pháp xây dựng sơ đồ tư duy (Mind mapping) cho từng phần trên. Mỗi phần sẽ là một sơ đồ bao gồm các nhánh nhỏ về mảng kiến thức riêng biệt. Vẽ sơ đồ giúp bạn tự gợi nhớ, tư duy và hệ thống hóa tất cả kiến thức đã học. Phương pháp này cũng giúp bạn rà soát lại để tìm ra những kiến thức bạn chưa thực sự tự tin. Nhờ đó bạn có thể chủ động ôn luyện thêm.

Khoảng thời gian phù hợp cho giai đoạn này là 3 tuần – 1 tháng.

Xem thêm: Các phương pháp ôn thi Tốt nghiệp THPT cực hay không phải ai cũng biết!

Giai đoạn 3: Rèn luyện kỹ năng làm bài 

Để đạt kết quả tốt thì ngoài kiến thức bạn cũng cần rèn luyện kỹ năng làm bài thi. Đó là các kỹ năng tìm hiểu về cấu trúc đề thi, phân bổ thời gian, kỹ năng làm bài trắc nghiệm, tự luận, kỹ năng xử lý các câu khó… Chỉ bằng cách luyện đề bạn mới rút kinh nghiệm và rèn luyện được những kỹ năng trên.

Trước tiên, bạn hãy sưu tập tất cả các bộ đề thi chính thức của các năm trước, đề thi thử của các trường THPT nổi tiếng và đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Sau đó bạn lần lượt làm đề với thời gian như kỳ thi thật (60 phút). Bạn có thể thử sức với các bộ đề tham khảo và đề thi thử để rút kinh nghiệm trước. Đến khi tự tin hơn, bạn dần làm các bộ đề thi chính thức để xem khả năng của mình đến đâu. 

Lưu ý: sau mỗi lần luyện một đề thi, bạn hãy nghiên cứu đáp án thật kỹ, đặc biệt là với các câu sai và nếu có thể hãy ghi lại những lỗi sai đó. Cách làm này sẽ giúp bạn tránh phạm sai lầm cho các đề sau. Bạn có thể làm một đề nhiều lần để kiểm tra kiến thức và các lỗi sai trước đây. Đó là một cách luyện và ôn thi khá hiệu quả.

Khoảng thời gian phù hợp để thực hiện giai đoạn này là từ 2-3 tuần.

Giai đoạn 4: Tối đa điểm số trong giai đoạn cuối của lộ trình ôn thi

Thực tế cho thấy không khó để đạt mức điểm trung bình khá (7 – 8 điểm). Tuy nhiên sẽ rất khó để đạt mức điểm giỏi giúp bạn nổi bật. Giai đoạn cuối trong lộ trình ôn thi chính là lúc để bạn tạo sức bật ấy. Vào giai đoạn này bạn cần tìm hiểu tất cả lý do khiến mình chưa đạt mức điểm mong đợi, hoặc chưa duy trì được mức đó. Khi tìm ra lý do, bạn mới có được phương án để giải quyết. Ví dụ bạn chưa đạt điểm cao vì còn gặp khó khăn khi phân bổ thời gian. Bạn cảm thấy mình luôn thiếu thời gian và đầu tư quá nhiều cho một số câu hỏi. Bạn có thể giải quyết phương án này bằng cách tập trung trước vào các phần bạn cảm thấy tự tin. Sau đó mới chuyển sang những phần khó hơn và cố gắng dành ít nhất 5 phút cuối giờ để rà soát lại đáp án một lượt.

Trong giai đoạn này, cũng đừng quên ôn tập lại các kiến thức mà bạn vẫn chưa thực sự tự tin. Đồng thời chớ quên luyện đề liên tục để rèn luyện kỹ năng và phản xạ với đề thi.

Khoảng thời gian phù hợp để thực hiện giai đoạn này là từ 2-3 tuần.

Kết

Ôn thi đại học luôn là một hành trình gian nan với các thí sinh. Hy vọng rằng lộ trình ôn thi cấp tốc trên đây sẽ tiếp sức giúp bạn chinh phục thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

———————————————

Kết nối với OEA Vietnam và cùng học tiếng Anh tại: