15 PHÚT NẮM VỮNG TOÀN BỘ KIẾN THỨC VỀ CÂU HỎI ĐUÔI TRONG TIẾNG ANH

Góc chia sẻ
25/08/2023
5217 lượt xem bài viết

Câu hỏi đuôi (Tag question) là một cấu trúc khá thú vị, được sử dụng rất nhiều cả trong tiếng Anh giao tiếp thường ngày lẫn trong các kỳ thi học thuật như IELTS, TOEIC,… Nếu bạn chưa nắm vững hoặc gặp một vài rắc rối hoặc nhầm lẫn khi sử dụng câu hỏi đuôi, hãy xem ngay bài viết dưới đây của OEA Vietnam nhé!

1. Câu hỏi đuôi là gì?

1.1. Định nghĩa

Câu hỏi đuôi là một dạng câu hỏi ngắn, đứng sau một mệnh đề trần thuật và ngăn cách với mệnh đề đó bằng dấu phẩy (,), nhằm mục đích xác nhận lại, tìm kiếm sự đồng tình hoặc muốn biết thêm thông tin từ người nghe. Có thể nói, câu hỏi đuôi này mang sắc thái như cách nói “phải không?” hoặc “nhỉ” trong tiếng Việt.

VD: 

It’s hot, isn’t it? (Trời nóng nhỉ?)

Donna plays football, doesn’t she? (Donna chơi bóng đá, phải không?)

They’ve waited a long time, haven’t they? (Họ đã đợi khá lâu rồi nhỉ?)

1.2. Xác định sắc thái của câu hỏi đuôi

– Nếu người hỏi xuống giọng: Người nói muốn người nghe xác nhận và đồng tình với điều họ vừa nói;

– Nếu người hỏi lên giọng: Người nói muốn biết thêm thông tin từ người nghe. 

Vì vậy, bạn cần chú ý đến ngữ điệu của câu hỏi đuôi để từ đó có thể trả lời chính xác theo mong muốn của người nói.

Xác định đúng sắc thái của câu hỏi đuôi giúp bạn đưa ra câu trả lời chính xác
Xác định đúng sắc thái của câu hỏi đuôi giúp bạn đưa ra câu trả lời chính xác

2. Cấu trúc của câu hỏi đuôi

2.1. Cấu trúc chung

Về quy tắc chung, bất kể nội dung là gì hay câu sử dụng thì nào, một câu hỏi đuôi tiếng Anh luôn có hai thành phần chính:

Mệnh đề trần thuật (statement) + phần câu hỏi (tag)

Các quy tắc:

– Mệnh đề trần thuật và phần câu hỏi được ngăn cách bởi dấu phẩy

– Mệnh đề trần thuật: Gồm chủ ngữ + động từ (+ tân ngữ)

– Phần câu hỏi: Gồm trợ động từ/động từ khuyết thiếu + chủ ngữ (phần câu hỏi phải có cùng chủ ngữ với mệnh đề trần thuật)

– Nếu mệnh đề chính ở dạng khẳng định thì phần câu hỏi đuôi phải ở dạng phủ định và ngược lại

– Thì của phần câu hỏi đuôi phải giống với thì của mệnh đề trần thuật.

– Trong câu hỏi đuôi luôn phải dùng các đại từ chủ ngữ (I, you, we, they, he, she, it) để đặt câu hỏi chứ không dùng đại từ tân ngữ (me, you, him, her, them, us); và cũng không dùng tên riêng.

2.2. Cấu trúc của câu hỏi đuôi trong các thì

 

Các thì Cấu trúc
Các thì hiện tại Câu dùng động từ to be – Mệnh đề khẳng định, isn’t/aren’t + S

-> You’re Danish, aren’t you?

– Mệnh đề phủ định, am/is/are + S

->  Sam’s not very old, is he?

Câu dùng động từ thường – Mệnh đề khẳng định, don’t/doesn’t + S?

-> You work with Barbara, don’t you?

– Mệnh đề phủ định, do/does + S?

-> He doesn’t look like his father, does he?

Các thì quá khứ Câu dùng động từ to be – Mệnh đề khẳng định, wasn’t/ weren’t + S?

-> She was crying, wasn’t she?

– Mệnh đề phủ định, was/were + S?

-> David wasn’t busy, was he?

Câu dùng động từ thường – Mệnh đề khẳng định, didn’t + S?

-> The girls wanted to go home, didn’t they?

– Mệnh đề phủ định, did + S?

-> Anna didn’t go to school yesterday, did she?

Các thì tương lai – Mệnh đề khẳng định, won’t + S?

-> She will be taking an IELTS test tomorrow, won’t she?

– Mệnh đề phủ định, will + S?

-> He won’t go to the supermarket with me, will he?

Các thì hoàn thành – Mệnh đề khẳng định, haven’t/hasn’t/hadn’t + S?

-> They’ve waited a long time, haven’t they?

 

– Mệnh đề phủ định, have/has/had + S?

-> Your mum hadn’t met him before, had she?

Động từ khuyết thiếu (Modal verbs) – Mệnh đề khẳng định, modal V + not + S?

-> She can swim, can’t she?

– Mệnh đề phủ định, modal V + S?

-> They shouldn’t play football before going to school, should they?

3. Một số trường hợp đặc biệt

3.1. Khi mệnh đề chính chứa trạng từ mang nghĩa phủ định

Nếu ở mệnh đề chính xuất hiện các trạng từ mang nghĩa phủ định như never, barely, rarely, hardly, seldom, scarcely,… thì câu hỏi đuôi sẽ phải ở dạng khẳng định. 

VD: Ian hardly ever goes to parties, does he? 

3.2. Khi mệnh đề chính dùng modal verb “must”

* Trường hợp 1: Nếu must mang nghĩa “cần thiết”, thì câu hỏi đuôi sẽ dùng “needn’t + S”

VD: We must study harder, needn’t we?

* Trường hợp 2: Nếu must mang nghĩa “cấm” – tức là “mustn’t” – thì ta sẽ dùng “must + S” ở câu hỏi đuôi

VD: You mustn’t be late, must you?

* Trường hợp 3: Nếu must mang nghĩa “dự đoán điều có thể xảy ra trong hiện tại hoặc quá khứ”, thì câu hỏi đuôi phải dùng trợ động từ chia theo thì của mệnh đề chính.

VD:

He must be very intelligent, isn’t he?

She must have taken this book, hasn’t she?

3.3. Khi mệnh đề chính là câu mệnh lệnh, đề nghị

Người bản xứ thường sử dụng câu hỏi đuôi để đưa ra mệnh lệnh, yêu cầu hoặc lời mời.

Cụ thể:

– Dùng “won’t you?” trong câu mời lịch sự: Come with us to the party, won’t you?

– Dùng “can you?” hoặc “can’t you?” trong câu yêu cầu thân mật: Help me, can you?

– Dùng “would you?” trong câu yêu cầu với sắc thái khá lịch sự: Close the window, would you?

– Dùng “will you?” trong câu mệnh lệnh: Do it right now, will you?

3.4. Khi mệnh đề chính là câu cảm thán

Khi đó, câu hỏi đuôi sẽ được tạo thành bởi đại từ tương ứng với danh từ được đề cập ở mệnh đề chính, và động từ to be (am/is/are) phù hợp.

VD: What a beautiful bag, isn’t it?

3.5. Khi mệnh đề chính là cấu trúc “Let’s…”

Nếu mệnh đề chính là một câu mời, rủ rê với “Let’s…” thì phần câu hỏi đuôi sẽ là “shall we?”

VD: Let’s go shopping tomorrow, shall we?

3.6. Khi mệnh đề chính là câu trần thuật với chủ ngữ + động từ trần thuật + mệnh đề phụ

– Khi mệnh đề chính bắt đầu bằng “I” kết hợp cùng các động từ trần thuật như think, believe, expect,…, sau đó là một mệnh đề phụ, thì câu hỏi đuôi phải dựa vào phần mệnh đề phụ đó.

VD: I think he will get the highest score, won’t he? (chứ không phải “do I?”)

– Lưu ý: Nếu mệnh đề chính là dạng phủ định, thì tính chất phủ định vẫn có ảnh hưởng đến cả mệnh đề phụ. Vì thế câu hỏi đuôi phải ở dạng khẳng định. 

VD: I don’t think she will come, will she?

– Cũng cấu trúc này nhưng nếu chủ ngữ của mệnh đề chính không phải là “I” thì dùng động từ chính trong câu (think/ believe/ suppose/…) để xác định trợ động từ cho câu hỏi đuôi.

VD: She thinks he will come, doesn’t she?

3.7. Lưu ý về chủ ngữ của mệnh đề chính

 

Chủ ngữ của mệnh đề chính Chủ ngữ của câu hỏi đuôi Ví dụ
Danh từ Đại từ tương ứng thay thế Chickens can’t fly, can they?
Đại từ bất định mang nghĩa phủ định: nobody, no one, none of,… they 

Trợ động từ/To be ở dạng khẳng định

Nobody likes him, do they?
Đại từ bất định nothing, everything it Everything has changed, hasn’t it?

Nothing happens around here, does it?

Đại từ bất định mang nghĩa khẳng định: someone, somebody, everyone, everybody, anyone, anybody they

Trợ động từ/ To be ở dạng khẳng định hoặc phủ định tùy vào động từ ở mệnh đề chính

Someone will come and help us, won’t they?
I am aren’t I I am wrong, aren’t I? 
I am not am I I am not late, am I?
this/that it This is your book, isn’t it?
these/those they Those are your shoes, aren’t they?

 

4. Cách trả lời câu hỏi đuôi

Có nhiều người thường lúng túng khi trả lời câu hỏi đuôi, không biết phải trả lời theo mệnh đề chính hay phần câu hỏi vì hai vế trái ngược nhau. Để trả lời chính xác, cách dễ nhất là hãy trả lời theo mệnh đề chính, không quan tâm đến phần câu hỏi.

– Nếu mệnh đề chính là dạng khẳng định, ta trả lời bình thường theo mệnh đề chính.

VD: She is good at English and Physics, isn’t she? (Cô ấy giỏi tiếng Anh và Vật lý, phải không?)

-> Yes, she is (Phải, cô ấy giỏi tiếng Anh và Vật lý)

-> No, she isn’t (Không, cô ấy không giỏi tiếng Anh và Vật lý)

– Tuy nhiên, nếu mệnh đề chính mang ý phủ định, cách trả lời sẽ khác một chút so với cách ta hay trả lời trong tiếng Việt.

VD: They won’t come, will they? (Họ sẽ không đến, phải không?)

-> No, they won’t (Không, họ sẽ không đến)

-> Yes, they will (Có, họ sẽ đến)

Kết

Trên đây là những kiến thức về câu hỏi đuôi bạn cần nắm vững để có thể sử dụng trong giao tiếp tiếng Anh. Có thể thấy rằng, tuy có cấu trúc ngắn gọn nhưng câu hỏi đuôi lại có rất nhiều trường hợp đặc biệt cần lưu ý, bạn hãy luyện tập thật nhiều để ghi nhớ nhé!

———————————————

Kết nối với OEA Vietnam và cùng học tiếng Anh tại:

Chat Zalo
098 223 1318