Trẻ nhỏ nên bắt đầu học tiếng Anh như thế nào?

Góc chia sẻ
05/11/2022
2962 lượt xem bài viết

Xu hướng cho con tiếp cận với ngoại ngữ ở lứa tuổi nhỏ ( từ 4 đến 10 tuổi), cụ thể là Anh ngữ ngày càng gia tăng ở các khu vực thành thị. Tuy nhiên, để xác định đúng lộ trình học tập ngoại ngữ của con em mình từ tuổi mẫu giáo một cách phù hợp và hiệu quả thì không phải bậc phụ huynh nào cũng hiểu đúng và có đầy đủ thông tin cho kế hoạch này. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho quý vị một số tư vấn giải đáp dựa trên băn khoăn của các bậc phụ huynh đang có con em từ độ tuổi 4-10 đã học tiếng Anh, nhằm giúp quý vị có những cái nhìn đúng đắn hơn khi quyết định đầu tư cho con em tham gia các khóa học Anh ngữ dành cho trẻ nhỏ.

Khi trẻ mẫu giáo (từ 4-6 tuổi) được học tiếng Anh, trẻ sẽ nói được và nói chuẩn xác bao nhiêu phần trăm so với lượng kiến thức được cung cấp trong các giáo trình dạy tiếng Anh dành cho lứa tuổi này?

Về lý thuyết, đối với trẻ phát triển bình thường theo lứa tuổi, có thể tiếp thu từ 60% đến 100% nội dung kiến thức được đề cập trong giáo trình. Tuy nhiên, sách chỉ là một trong nhiều nguồn “đầu vào” hay “nguyên liệu” cho quá trình học. Việc biến “đầu vào”- nội dung được dạy – thành kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ – thành những điều học được phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như khả năng tiếp thu của từng trẻ, mức độ và tần suất tiếp xúc với ngữ liệu trong và bên ngoài lớp học….

Nếu trẻ được dạy bởi người bản ngữ có phát âm chuẩn ngay từ đầu, khả năng phát âm chính xác các từ đã học sẽ rất cao. Mức độ tiếp xúc với ngữ liệu phù hợp (về độ khó, nội dung, tính nhất quán…) càng nhiều, trẻ càng có khả năng phát âm và nhại tiếng tốt.

Mức độ thể hiện (mà hình thức đơn giản nhất là “nói”) của những gì đã tiếp thụ, lại tùy thuộc vào độ ngắn dài của giai đoạn critical period/ silent period của từng trẻ. Nhiều trẻ tiếp thu tốt, nhưng do đang trong giai đoạn silent period, giai đoạn trẻ tiếp thu và nội hóa những nội dung được học trong im lặng nên chưa thể “nói” hay dùng các từ ngữ đã học.

Ở lứa tuổi này, mục tiêu của các khóa học không phải là trẻ “nói” được bao nhiêu phần của các từ, cụm từ đã học, cũng không phải là lượng “kiến thức”, mà là việc các cháu hiểu nghĩa của các từ, các khái niệm và biết ứng dụng vào các bài tập được giao. Giai đoạn này, chủ yếu trẻ nhận biết, “nhại” các từ, tập sử dụng các từ, cụm từ, cách diễn đạt ngắn theo phương pháp nghe-nhắc lại-hiểu nghĩa. Do vậy việc trẻ sẽ khó nói được trọn vẹn các câu dài.

Cũng cần lưu ý, việc xây dựng sự tự tin và lòng say mê với Anh ngữ là vô cùng quan trọng và được coi như một mục tiêu học tập đối với trẻ ở lứa tuổi này. Các phụ huynh và giáo viên cần chú ý đa dạng các hoạt động học tập để các con chơi mà học, học mà chơi và được tiếp thụ ngôn ngữ một cách tự nhiên nhất, phi áp lực nhất.

Cho trẻ học tiếng Anh sớm từ 4-6 tuổi khi trẻ chưa thành thạo tiếng Việt, sẽ khiến các cháu dễ bị nhầm lẫn giữa tiếng Việt và tiếng Anh?

Câu trả lời là “không”. Trẻ hoàn toàn có thể học ngôn ngữ thứ hai trong giai đoạn này khi trẻ được sống trong một môi trường dung nạp và khuyến khích, hỗ trợ tích cực, trẻ sẽ có thể tiếp thụ tốt được cả hai ngôn ngữ. Điều này cũng phù hợp ngay cả với những trẻ chỉ học một ngôn ngữ duy nhất là tiếng mẹ đẻ. Nếu phụ huynh tự gây áp lực cho con cái mình thì sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển ngôn ngữ của con. Nếu môi trường sống và học tập hàng ngày xung quanh trẻ là môi trường song ngữ thì khi học ngôn ngữ thứ hai, trẻ sẽ hình thành thói quen có thể nghĩ được bằng cả hai ngôn ngữ thay vì chỉ nghĩ bằng một ngôn ngữ mà thôi. Việc trẻ có thể “quên” tiếng mẹ đẻ khi học thêm một ngôn ngữ thứ hai hầu như chỉ xảy ra khi trẻ thuộc nhóm dân nhập cư (đến sinh sống tại một nước nói tiếng Anh với tư cách là tiếng mẹ đẻ) hoặc bắt buộc phải học ngôn ngữ thứ hai để phục vụ cho việc học tập tại một trường quốc tế sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Thực tế cho thấy, học ngoại ngữ càng sớm bao nhiêu thì quá trình học tập sau đó sẽ thuận lợi bấy nhiêu, đặc biệt là khả năng phát âm, do có những lý do mang tính sinh học đã chứng minh khi ở lứa tuổi trưởng thành (adult learner), sẽ có ít người có thể học một ngôn ngữ mới với khả năng nói được như người bản ngữ.

Thời gian tự học tiếng Anh ở nhà cho các cháu mẫu giáo khoảng bao nhiêu giờ/ tuần là phù hợp? Phụ huynh cần hỗ trợ các con như thế nào để việc tự học được hiệu quả

Thời lượng này phụ thuộc vào năng lực của từng cháu và số lượng giờ học trên lớp. Cách giúp trẻ học là cho trẻ làm bài trong workbook, thời gian làm bài trong workbook không quá 3 giờ/ tuần. Điều quan trọng là tạo môi trường để trẻ được tiếp xúc với tiếng Anh ở mức độ phù hợp với trình độ (cả về ngôn ngữ và nhận thức) và mối quan tâm. Hình thức đơn giản nhất là cho trẻ nghe và tập hát các bài hát tiếng Anh thiếu nhi, xem các chương trình dành cho trẻ em bằng tiếng Anh như Play school, Magic English, chơi các trò chơi bằng tiếng Anh…Điều quan trọng là tạo môi trường để trẻ tiếp xúc với Anh ngữ và có nhu cầu sử dụng Anh ngữ để giao tiếp.

Đối với các cháu chưa từng học tiếng Anh bao giờ mà học ngay với giáo viên nước ngoài, làm thế nào để các cháu tiếp nhận được kiến thức khi có rào cản về ngôn ngữ giữa giáo viên và học sinh

Chương trình và tài liệu dạy cho lứa tuổi này thường được thiết kế để trẻ tiếp thu được những gì được học một cách tự nhiên, với các hoạt động đa dạng giúp phát huy và tích hợp cả 08 năng lực trí tuệ gồm: tư duy logic, ngôn ngữ, tư duy mỹ thuật, âm nhạc, ngôn ngữ cơ thể, khả năng quan sát, kỹ năng giao tiếp và phát triển tâm lý. Các giáo viên sử dụng rất nhiều phương tiện giao tiếp và giáo cụ (tranh ảnh, bài hát, hình vẽ, rối, ngữ cảnh, điệu bộ…) để giúp các cháu tiếp thụ ngôn ngữ một cách tự nhiên trong ngữ cảnh. Ngoài ra, các giáo viên trợ giảng người Việt có vai trò hỗ trợ các cháu yếu hơn và đảm bảo tất cả trẻ tham gia lớp học đều hiểu được những gì được dạy ngay tại lớp.

Trong quá trình học tiếng Anh mẫu giáo, các cháu đã được học viết chữ cái chưa? Cách viết của chữ cái tiếng Anh trong các lớp học này khác với cách dạy viết ở lớp 1, điều này có ảnh hưởng gì đến kỹ năng viết của các cháu khi vào lớp 1 hay không?

Chương trình tiếng Anh lớp mẫu giáo chưa dạy viết chữ, mà mới chỉ tô màu các hình chữ cái và chữ số cỡ lớn. Mục đích là cho các cháu nhận biết mặt chữ cái và chữ số.

Ở cấp độ 4, các cháu mới chỉ học nhận mặt chữ (bảng chữ cái) và tô chữ to, do đó không ảnh hưởng đến kỹ năng viết của các cháu ở lớp 1.

Các khóa học của OEA đều tích hợp 05 yếu tố chủ chốt trong giáo dục là văn hóa (culture), giao tiếp (communication), khả năng phối hợp (collaboration), tư duy phản biện (critical thinking) và tính sáng tạo (creativity).
Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình tiếng Anh Thiếu Nhi và đăng ký cho các em kiểm tra xếp lớp (miễn phí), Quý vị phụ huynh vui lòng liên hệ với Bộ phận Tư vấn OEA Vietnam – Số 16 Văn Cao, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội – Tel: (04) 3232-1318 hoặc qua website www.oea-vietnam.com.

Tài liệu tham khảo:

  • Baker. Colin (1995) “A Parents’ and Teachers’ Guide to Bilingualism”. Avon: Multilingual Matters Ltd. pp. 48-51.
  • Gardner, Howard. (1999) “Intelligence Reframed: Multiple Intelligences for the 21st Century.” New York: Basic Books.
  • Myths about Bilingualism. Retrieved from: http://www.nethelp.no/cindy/myth.html on 12/10/2010
  • Haynes, Judie (2010) “Stages of Second Language Acquisition.” Retrieved from http://www.everythingesl.net/inservices/language_stages.php on 16/10/2010